Bàn tay hữu hình (the visible hand) của các nhà quản lý doanh nghiệp

Theo Chandler (1977), “Bàn tay hữu hình” của các nhà quản lý trong các doanh nghiệp hiện đại đã thay thế bàn tay vô hình của thị trường trong điều phối các hoạt động của nền kinh tế và phân bổ các nguồn lực liên quan. Các doanh nghiệp kinh doanh truyền thống đại diện cho các hoạt động nhỏ, lẻ, thường sản xuất một sản phẩm duy nhất trong một khu vực địa lý hẹp, và bị chi phối bởi hệ thống thị trường và giá cả. Ngược lại, các doanh nghiệp hiện đại, với nhiều đơn vị bộ phận, thường sản xuất nhiều sản phẩm khác nhau ở nhiều địa điểm. Các hoạt động của doanh nghiệp hiện đại được quản lý và giám sát bởi các nhân viên làm công ăn lương chứ không phải các cơ chế thị trường. Hay nói cách khác, doanh nghiệp hiện đại đã thay thế thị trường trên cơ sở hoạt động quản lý hành chính – được kiểm soát dưới bàn tay hữu hình của các nhà quản lý – tạo ra năng suất cao hơn, chi phí thấp hơn và lợi nhuận cao hơn so với tuân thủ cơ chế thị trường.

Với Chandler, cơ chế thị trường – bàn tay vô hình – là sự cạnh tranh về giá giữa các doanh nghiệp nhỏ truyền thống, về bản chất, là mô hình cạnh tranh cao cấp của kinh tế tân cổ điển. Chandler (1977) phê phán thị trường cạnh tranh hoàn hảo: “Nhiều lý thuyết kinh tế cơ bản dựa trên giả định rằng các quy trình sản xuất và sự phân phối vẫn được quản lý hoặc ít nhất là nên được quản lý bởi bàn tay vô hình của thị trường. Như vậy theo lý thuyết cạnh tranh hoàn hảo chỉ có thể tồn tại giữa các doanh nghiệp đơn lẻ, và sự cạnh tranh như vậy vẫn là cách hiệu quả nhất để điều phối các hoạt động kinh tế và phân bổ các nguồn lực kinh tế. Ngược lại các doanh nghiệp hiện đại mang lại sự cạnh tranh không hoàn hảo và phân bổ sai các nguồn lực. Vì nhiều nhà kinh tế học đã coi doanh nghiệp hiện đại như một sự sai lạc lâu dài, và xem như một điều xấu, không ít người đã gặp rắc rối để xem xét nguồn gốc của nó. Đối với họ, thị trường độc quyền luôn được xem là hoàn hảo”.

Đặc biệt, Chandler tin rằng mô hình cạnh tranh hoàn hảo không cho phép hiểu được doanh nghiệp hiện đại; và do đó không thể nắm được lịch sử kinh doanh. Mô hình cạnh tranh hoàn hảo là một mô hình cấu trúc thị trường. Một thị trường là thị trường cạnh tranh hoàn hảo nếu:

  • Không có bất kỳ người mua hoặc người bán nào đủ lớn để có thể ảnh hưởng đến thị trường.
  • Người mua và người bán có đầy đủ hiểu biết và cơ hội trao đổi hàng hóa.
  • Không có sự phân biệt về sản phẩm.

Cạnh tranh hoàn hảo là một trạng thái cân bằng, tại đó, người mua và người bán hành động theo hiểu biết của mình trên cơ sở đã khai thác tất cả các cơ hội trao đổi. Đó là trạng thái, trong đó người bán là các doanh nghiệp bị trói buộc các phương tiện tạo ra giá trị: không đổi mới; không tìm được đầu vào tốt hơn, hay công nghệ tốt hơn hoặc cách tổ chức sản xuất tốt hơn; thậm chí không cắt giảm giá cả.

Cùng với đề cao và giới hạn trong mô hình cạnh tranh hoàn hảo, kinh tế học cổ điển cho rằng bất kỳ thị trường nào với những đặc điểm khác cạnh tranh hoàn hảo đều được coi là cạnh tranh không hoàn hảo và thiếu hiệu quả kinh tế. Với số ít người bán hàng, sản phẩm khác biệt, và thông tin không đầy đủ được coi là thị trường không hoàn hảo. Phân tích như vậy sẽ dẫn đến một số kết luận đôi khi không rõ ràng nếu được áp dụng vào lịch sử thương mại. Ví dụ, dẫn đến kết luận rằng ngành công nghiệp thép của Mỹ năm 1875-1898 do Carnegie Steel dẫn đầu đã không cạnh tranh và không hiệu quả. Nhưng hiệu quả kinh tế thực tế ngược lại khi giá của đường ray thép giảm từ 160 USD/tấn trong năm 1875 xuống còn 17 USD/ tấn vào năm 1898.

Chỉ trích của Chandler về mô hình cạnh tranh hoàn hảo là đúng. Nhưng để đánh đồng mô hình cạnh tranh hoàn hảo của kinh tế học tân cổ điển với bàn tay vô hình của thị trường là một sai lầm lớn. Hậu quả của sai sót này là đặc biệt quan trọng đối với Chandler, vì khái niệm cạnh tranh hoàn hảo và bàn tay vô hình của thị trường là một và cùng một nền tảng; mà trên đó khái niệm bàn tay hữu hình của các nhà quản lý doanh nghiệp được xây dựng. Thực tế, học thuyết bàn tay hữu hình thừa nhận “thị trường vẫn là nơi khỏi xướng nhu cầu về hàng hoá và dịch vụ”. Đây là bằng chứng khẳng định doanh nghiệp hiện đại không thay thế bàn tay vô hình của thị trường; và thậm chí cũng là đối tượng của bàn tay vô hình của thị trường.

Theo Chandler (1977), doanh nghiệp hiện đại được tổ chức theo cấp bậc các nhà quản lý cấp trung và cao cấp, chịu trách nhiệm giám sát và điều phối hoạt động của các bộ phận dưới quyền kiểm soát của họ. Trong mô hình doanh nghiệp đa bộ phận, mỗi bộ phận đều có tổ chức hành chính của mình, đều được lãnh đạo bởi một nhà quản lý được trả lương và có thẩm quyền độc lập, thậm chí có thể coi mỗi bộ phận “vận hành như một doanh nghiệp độc lập” (Chandler, 1977). Các nhà quản lý cao cấp có nhiệm vụ đánh giá và điều phối hoạt động của các nhà quản lý cấp trung; lập kế hoạch phân bổ nguồn lực trong doanh nghiệp; qua đó đảm bảo sự vận hành và quản lý hoạt động hiện tại của doanh nghiệp. Các nhà quản lý cấp trung chịu trách nhiệm xây dựng và triển khai các phương thức sản xuất kinh doanh đảm bảo hiệu quả hoạt động của bộ phận mà họ phụ trách cũng như đảm bảo sữ kết nối với các bộ phận khác. Chính những nhà quản lý cấp trung này là người tối ưu và sáng tạo phương thức hoạt động sản xuất kinh doanh hiện đại, qua đó góp phần hạ giá thành, xây dựng lợi thế cạnh trạnh cho doanh nghiệp.

Chandler nhấn mạnh rằng các doanh nghiệp quản lý xuất hiện là quy luật tất yếu nhằm phát triển và khai tác lợi thế từ công nghệ sản xuất mới sau thời kỳ thiết lập hệ thống đường sắt toàn nước Mỹ. Đó là những doanh nghiệp có năng suất lao động cao hơn, với chi phí thấp hơn và do đó thu được lợi nhuận nhiều hơn. Mô hình doanh nghiệp này cũng kéo theo sự xuất hiện của “giai cấp quản lý” (managerial class), những người chịu trách nhiệm phân bổ nguồn lực và điều phối quản lý các hệ thống phức tạp và phụ thuộc lẫn nhau của chính mô hình doanh nghiệp đa bộ phận này.

Ví dụ điển hình của bàn tay hữu hình của các nhà quản lý là bê bối bị phanh phui thao túng lãi suất ngân hàng Libor, lãi suất của các ngân hàng Anh trên thị trường liên ngân hàng ở London nhưng hiện trở thành chuẩn lãi suất cho hầu hết các thị trường liên ngân hàng trên thế giới. Dưới sự chỉ đạo của “Cỗ máy in tiền” Bob Diamond – Tổng Giám Đốc điều hành tập đoàn Barclays, Anh, từ năm 2007 đến 2009, khi khủng hoảng ngân hàng đạt đỉnh, Diamond cùng nhân viên đã quyết định giả mạo dữ liệu và thay đổi tỉ suất Libor để bảo vệ Barclays trước cơn bão khủng hoảng, khiến dư luận tưởng ngân hàng này hoàn toàn khỏe mạnh sau cơn bão khủng hoảng. Bê bối thao túng lãi suất tiếp túc được điều tra mở rộng sang 5 ngân hàng quốc tế lớn khác gồm 2 ngân hàng của Anh là HSBC và RBS, 2 ngân hàng Citibank và JP Morgan Chase của Mỹ và ngân hàng USB của Thụy Sĩ. Ngày 12/11/2014, các cơ quan quản lý tài chính Mỹ và Anh thông báo phạt 5 ngân hàng này tổng số 2,5 tỷ euro vì đã cố tình nắn tỷ giá tham khảo trên thị trường hối đoái trong khoảng từ năm 2008 đến cuối năm 2013. Cụ thể, các ngân hàng và doanh nghiệp đã trao đổi thông tin mật về hoạt động của khách hàng, từ đó âm thầm lũng đoạn tỷ giá hối đoái của 10 loại tiền tệ chủ đạo, nhằm thu lợi về mình và đẩy phần thiệt cho khách.

Bob Diamond – Từ người hùng tới tội đồ của giới tài chính ngân hàng

  • “Cỗ máy in tiền” và những thuyết giảng về cơ hội làm giàu

Bob Diamond sinh ngày 27/7/1951 tại Concord, Massachusetts trong một gia đình có 9 anh chị em và cha mẹ đều là giáo viên. Năm 1996, Diamond về đầu quân cho Ngân hàng Barclays và nhanh chóng trở thành Trưởng phòng đầu tư nắm trong tay Quỹ Barclays Capital với số vốn và lãi khổng lồ, và nhanh tróng trở thành Tổng Giám Đốc điều hành tập đoàn Barclays năm 2011.

Bob Diamond là ví dụ điển hình cho hàng loạt các ông chủ ngân hàng lớn có khả năng kiếm tiền và vượt xa mức độ giàu có của các danh thủ bóng đá nổi tiếng với những bản hợp đồng triệu bảng. Ông nổi tiếng về khả năng kiếm chác từ các thương vụ làm ăn của Barclays. Cho dù tài chính thế giới đang trải qua những thời kỳ khó khăn, nhưng Diamond vẫn ung dung thu tiền về túi. Trung bình mỗi lần “nhúng tay” vào việc giao dịch của ngân hàng, ông được trích hoa hồng 20 triệu bảng, chưa kể các khoản phí phát sinh bên ngoài. Nếu tính tổng cộng lương, thưởng, cổ phần và hoa hồng trong các vụ làm ăn, Diamond mỗi năm thu về 80 triệu bảng. Tuy nhiên con số này không bao giờ chính xác khi các thông tin cá nhân của ông đều được “trưng ra” một cách mù mờ.

Bob Diamond làm ăn giống như đánh cược bằng vận may đỏ đen của những lá bài. Có người gọi ông là hình mẫu lý tưởng của chủ ngân hàng thời hiện đại. Số khác lại ví Diamond như một cơn ác mộng, một cỗ máy sản xuất tiền đáng ghê sợ. Ông kiếm tiền chẳng khác nào nhện giăng tơ ở mọi ngóc ngách; dường như ở đâu có tiềm năng đầu tư là ở đó có bóng dáng Bob Diamond. Hai thái cực đối chiều nhau về thành công của Diamond cho thấy sự căng thẳng và định kiến bấy lâu tồn tại trong dư luận về ngành ngân hàng và rủi ro nó mang lại. Bob Diamond từng thuyết giảng trên kênh BBC rằng: “Muốn tạo dựng niềm tin nơi khách hàng, các ngân hàng phải sắm vai những công dân mẫu mực và hiểu nhu cầu của chính họ”. Chỉ vài tháng sau, Diamond bị buộc tội trốn thuế và cướp tiền thuế của người dân tới trên 500 triệu bảng. Đầu năm 2011, Barclays bị tố dụ dỗ khoảng 12.000 khách hàng lớn tuổi tham gia cá cược chứng khoán bằng tiền lương hưu và bảo trợ xã hội. Barclays đã bán trắng cho khách hàng những hợp đồng bảo hiểm hoàn toàn vô tác dụng, hoặc đầu tư vào những khách hàng không tiềm năng. Bob Diamond đã lừa dối khách hàng trong suốt nhiều năm.

  • Thao túng lãi suất để kiếm lời

Libor và Euribor là các lãi suất tham chiếu quan trọng cho biết lãi suất khi các ngân hàng cho vay lẫn nhau và là chỉ số cơ bản của hoạt động tài chính. Sự minh bạch trong những chỉ số có tính chất tiêu chuẩn như Libor và Euribor có tầm quan trọng nền tảng với cả thị trường tài chính Anh và quốc tế. Thao túng lãi suất Libor hay Euribor không chỉ vẽ nên một bức tranh tài chính hoàn toàn “lệch tông màu” mà còn trực tiếp đe dọa tới cuộc sống của từng người dân. Những ảnh hưởng được cảm nhận rõ ràng trong hệ lụy mà người vay phải hứng chịu từ các khoản vay thế chấp lãi suất quá cao hoặc mất kiểm soát.

Từ năm 2007 đến 2009, khi khủng hoảng ngân hàng đạt đỉnh, Diamond và các nhân viên của ông đã khuyến khích nhau thao túng lãi suất các nhân viên đưa ra các thông số giả mạo để tránh nghi ngờ từ dư luận. Ông cùng nhân viên đã quyết định giả mạo dữ liệu và thay đổi tỉ suất Libor để bảo vệ Barclays trước cơn bão khủng hoảng, khiến dư luận tưởng ngân hàng này hoàn toàn khỏe mạnh sau cơn bão khủng hoảng.

  • Những cột mốc chính trong vụ thao túng lãi suất Libor:

– Năm 2005: Những bằng chứng đầu tiên về vụ thao túng lãi suất Libor và Euibor (lãi suất Libor cho đồng euro) được phát hiện thông qua ghi âm điện thoại của các giao dịch viên Barclays tại New York, London và Tokyo. Trong các cuộc điện đàm này, nhân viên của Barclays đã yêu cầu giao dịch viên của các ngân hàng khác đồng ý thay đổi lãi suất của các hợp đồng phái sinh. Trong giai đoạn 2005 – 2009, đã có 257 cuộc điện thoại ghi lại những nội dung như vậy.

– Năm 2007: Với sự sụp đổ của ngân hàng Northern Rock, lo ngại về thanh khoản của các ngân hàng được dấy lên. Việc thao túng lãi suất bắt đầu được Barclays thực hiện một cách có hệ thống, khiến khách hàng nhầm tưởng về sức khỏe của ngân hàng này. Nhiều nghi vấn đã được giới truyền thông đưa ra. Ngày 28/11, một báo cáo nội bộ của Barclays cũng thừa nhận lãi suất Libor không phản ánh chính xác giá của đồng tiền.

– Năm 2008: Nghi vấn lãi suất tiếp tục được giới truyền thông nêu lên với mật độ ngày một dày đặc. Hiệp hội Ngân hàng Anh (BBA) cũng đã phải vào cuộc với nhiều câu hỏi và thông cáo liên quan đến việc thao túng lãi suất. BBA cho rằng nếu những phản ánh của khách hàng là thật thì đây là vụ việc không thể chấp nhận. Sau sự sụp đổ của Lehman Brothers, BBA thậm chí đã phải có cuộc họp riêng với Barclays về vấn đề này.

– Năm 2009: Ngày 2/11, BBA ra thông báo hướng dẫn cho các thành viên về quy tắc áp dụng với Libor cũng như các chuẩn an toàn. Tuy nhiên, Barclays vẫn tỏ ra thờ ơ, không thiết lập các hệ thống độc lập giữa bộ phân giao dịch phái sinh và các nhân viên thống kê, gửi báo cáo cho cơ quan quản lý.

– Năm 2010: Trong email nội bộ gửi nhân viên, Barclays mới chính thức yêu cầu tuân thủ các quy định về an toàn, nghiêm cấm việc thao túng lãi suất cũng như thận trọng trong các cuộc điện đàm với giao dịch viên của ngân hàng bạn.

– Năm 2011: Cuối năm 2011, một ngân hàng nổi tiếng khác ở Anh là Royal Banks of Scotland sa thải 4 nhân viên do liên quan tới vụ thao túng lãi suất.

– Năm 2012: Cuối tháng 6, Barclays thừa nhận vụ gian lận nêu trên và chịu phạt 450 triệu USD. Chủ tịch Marcus Agius và CEO Bob Diamond lần lượt từ chức. Vụ việc tiếp tục được mở rộng điều tra.

Diamond cố gắng tự bào chữa trong khi chĩa mũi tên tội lỗi về phía các ngân hàng khác: “Hành động sai lầm của Barclays là kết quả của việc lãi suất Libor quá cao, do các ngân hàng khác gây ra. Cùng lúc ấy, việc huy động lãi suất và cho vay tại các ngân hàng này lại tỏ ra vô dụng, khiến mọi gánh nặng đè lên Barclays”. Khi bị gọi tới phiên chất vấn Ủy ban Tài chính, Bob Diamond chỉ nói ngắn gọn: “Tôi hiểu mọi chuyện và sẵn sàng ra tòa để trả lời mọi câu hỏi”.

 

Nguồn: Phan Thanh Tú, Vũ Mạnh Chiến, Phạm Văn Kiệm, Lưu Đức Tuyến, Nguyễn Thị Hồng Nga (2018), “Chương 10: Thuyết bàn tay hữu hình”, trong sách Học Thuyết Doanh Nghiệp, NXB Lao Động – Xã Hội, trang 202-203.