Các đề xuất tổng quát của Chandler (1977) về doanh nghiệp hiện đại và bàn tay hữu hình

1. Doanh nghiệp hiện đại

Theo Chandler (1977), doanh nghiệp hiện đại được tổ chức theo cấp bậc các nhà quản lý cấp trung và cao cấp, chịu trách nhiệm giám sát và điều phối hoạt động của các bộ phận dưới quyền kiểm soát của họ. Trong mô hình doanh nghiệp đa bộ phận, mỗi bộ phận đều có tổ chức hành chính của mình, đều được lãnh đạo bởi một nhà quản lý được trả lương và có thẩm quyền độc lập, thậm chí có thể coi mỗi bộ phận “vận hành như một doanh nghiệp độc lập” (Chandler, 1977). Các nhà quản lý cao cấp có nhiệm vụ đánh giá và điều phối hoạt động của các nhà quản lý cấp trung; lập kế hoạch phân bổ nguồn lực trong doanh nghiệp; qua đó đảm bảo sự vận hành và quản lý hoạt động hiện tại của doanh nghiệp. Các nhà quản lý cấp trung chịu trách nhiệm xây dựng và triển khai các phương thức sản xuất kinh doanh đảm bảo hiệu quả hoạt động của bộ phận mà họ phụ trách cũng như đảm bảo sữ kết nối với các bộ phận khác. Chính những nhà quản lý cấp trung này là người tối ưu và sáng tạo phương thức hoạt động sản xuất kinh doanh hiện đại, qua đó góp phần hạ giá thành, xây dựng lợi thế cạnh trạnh cho doanh nghiệp.

Chandler nhấn mạnh rằng các doanh nghiệp quản lý xuất hiện là quy luật tất yếu nhằm phát triển và khai tác lợi thế từ công nghệ sản xuất mới sau thời kỳ thiết lập hệ thống đường sắt toàn nước Mỹ. Đó là những doanh nghiệp có năng suất lao động cao hơn, với chi phí thấp hơn và do đó thu được lợi nhuận nhiều hơn. Mô hình doanh nghiệp này cũng kéo theo sự xuất hiện của “giai cấp quản lý” (managerial class), những người chịu trách nhiệm phân bổ nguồn lực và điều phối quản lý các hệ thống phức tạp và phụ thuộc lẫn nhau của chính mô hình doanh nghiệp đa bộ phận này.

Các lý thuyết kinh tế cơ bản trong thời kỳ này đều dựa trên giả định rằng sản xuất và phân phối vẫn được quản lý hoặc ít nhất là nên được quản lý bởi bàn tay vô hình của thị trường. Như vậy theo lý thuyết cạnh tranh hoàn hảo chỉ có thể tồn tại giữa các doanh nghiệp đơn lẻ, và sự cạnh tranh như vậy vẫn có cách hiệu quả nhất để điều phối các hoạt động kinh tế và phân bổ các nguồn lực trong nền kinh tế. Ngược lại các doanh nghiệp hiện đại, bị cho rằng, dẫn đến cạnh tranh không hoàn hảo và phân bổ sai các nguồn lực.

Chandler (1977) khẳng định loại hình doanh nghiệp hiện đại (the modern business enterprise) với hai đặc trưng của nó. Thứ nhất, ở đó bao gồm nhiều đơn vị điều hành riêng biệt; và thứ hai, được quản lý bởi ban giám đốc điều hành. Mỗi đơn vị trong các doanh nghiệp hiện đại có văn phòng hành chính riêng và được quản lý toàn thời gian bởi một nhà quản lý. Mỗi đơn vị đều có sổ sách kế toán và có thể được kiểm toán một cách riêng biệt từ các đơn vị cấp trên. Theo lý thuyết mỗi đơn vị này đều có thể hoạt động như là một doanh nghiệp kinh doanh độc lập. Ngược lại, đối với các doanh nghiệp truyền thống ở Mỹ thường là một doanh nghiệp kinh doanh đơn lẻ. Chẳng hạn như một cá nhân hoặc một số ít các chủ sở hữu vận hành một cửa hàng, nhà xưởng, ngân hàng… Thông thường, loại hình doanh nghiệp này chỉ thực hiện một chức năng kinh tế duy nhất, phân phối một dòng sản phẩm duy nhất và hoạt động ở một khu vực địa lý nhất định. Trước sự nổi lên của doanh nghiệp hiện đại, các hoạt động của doanh nghiệp nhỏ thuộc sở hữu cá nhân này được điều phối và tuân theo cơ chế giá cả thị trường.

Doanh nghiệp hiện đại có nhiều đơn vị trực thuộc, hoạt động tại các địa điểm khác nhau, thường xuyên thực hiện các loại hình hoạt động kinh tế khác nhau và kinh doanh các loại hàng hoá và dịch vụ khác nhau. Các hoạt động và các giao dịch giữa các đơn vị này được thực hiện trong nội bộ. Được giám sát và phối hợp bởi các nhân viên làm công ăn lương hơn là các cơ chế thị trường. Do đó, doanh nghiệp hiện đại thuê các nhân viên quản lý cấp trung và cấp cao để theo dõi và điều phối hoạt động của các đơn vị do họ điều hành. Những nhà quản lý cấp trung và cấp cao này tạo thành tầng lớp doanh nhân mới. Một số ít các doanh nghiệp truyền thống cũng thuê các nhà quản lý có hoạt động tương tự như những người có trình độ thấp nhất trong một doanh nghiệp hiện đại. Chủ sở hữu các đồn điền, xưởng xẻ, cửa hàng cũng thuê nhân viên làm công ăn lương để hỗ trợ họ trong việc quản lý. Khi công việc trong các đơn vị hoạt động đơn lẻ gia tăng, các nhà quản lý này thuê các quản đốc (đốc công) cấp dưới, những người giám sát để quản lý lao động thực hiện công việc. Nhưng vào cuối những năm 1840 không có nhà quản lý trung gian này ở Mỹ – nghĩa là không có nhà quản lý giám sát công việc của các nhà quản lý khác và lần lượt báo cáo với các giám đốc điều hành cấp cao. Vào thời điểm đó gần như tất cả các nhà quản lý hàng đầu là những chủ sở hữu; họ là cổ đông lớn trong doanh nghiệp mà họ quản lý.

2. Các đề xuất tổng quát của Chandler (1977)

Chandler (1977) đưa ra 8 đề xuất để chỉ ra rằng bàn tay hữu hình trong quản lý thay thế bàn tay vô hình của Adam Smith:

Đề xuất thứ nhất: Các doanh nghiệp nhỏ truyền thống được thay thế bởi các doanh nghiệp hiện đại khi sự điều hành chi phối của bàn tay hữu hình cho phép tăng năng suất, chi phí thấp hơn và lợi nhuận cao hơn so với sự chi phối của cơ chế thị trường. Đề xuất này Chandler đưa ra trực tiếp từ định nghĩa doanh nghiệp hiện đại – một loại hình doanh nghiệp đã ra đời và tiếp tục phát triển bằng cách thành lập các đơn vị (chi nhánh, công ty con) hay nói cách khác các đơn vị kinh doanh mà theo lý thuyết có thể hoạt động như các doanh nghiệp độc lập, bằng cách nội bộ hóa các hoạt động và các giao dịch được tiến hành giữa chúng. Việc nội bộ hoá như vậy mang lại cho doanh nghiệp nhiều lợi thế vì các các đơn vị này giao dịch thường xuyên và chi phí của các giao dịch này được hạ xuống. Bằng cách liên kết việc quản lý các đơn vị sản xuất với các đơn vị mua và phân phối, chi phí cho thông tin về thị trường và nguồn cung được giảm xuống. Điều này còn có ý nghĩa quan trọng hơn nhiều, đó là sự liên kết giữa nhiều đơn vị đã cho phép luồng hàng từ một đơn vị này đến đơn vị khác được quản lý điều phối. Việc lập kế hoạch hiệu quả hơn do sử dụng các nhân viên quản lý trong quá trình sản xuất và phân phối từ đó tăng năng suất và giảm chi phí. Ngoài ra, việc quản lý giám sát đã tạo ra một dòng chảy tiền mặt nhất định và thanh toán nhanh chóng cho các dịch vụ được thực hiện do đó tiết kiệm các khoản chi phí trong giao dịch.

Đề xuất thứ hai: Các lợi ích từ tập hợp hoạt động của nhiều đơn vị kinh doanh trong một doanh nghiệp có thể không được thực hiện cho đến khi một hệ thống phân cấp quản lý được tạo ra. Chandler cho rằng những lợi ích này chỉ có thể đạt được khi một nhóm các nhà quản lý được tập hợp để thực hiện các chức năng mà trước đó được quản lý bởi cơ chế giá cả thị trường. Trong khi các hoạt động của các doanh nghiệp truyền thống đơn lẻ được theo dõi và điều phối bởi các cơ chế thị trường, thì các đơn vị sản xuất và phân phối trong một doanh nghiệp hiện đại được giám sát bởi các nhà quản lý cấp trung. Các nhà quản lý cấp cao, cùng với việc đánh giá và điều phối công việc của các nhà quản lý cấp trung, đã thay thế cho thị trường trong việc phân bổ nguồn lực cho sản xuất và phân phối trong tương lai. Để thực hiện các chức năng này, các nhà quản lý đã phải phát minh ra những phương thức và thủ tục mới và trở thành những phương pháp điều hành chuẩn mực trong quản lý sản xuất và phân phối ở Mỹ. Như vậy sự tồn tại của một hệ thống phân cấp quản lý là một đặc điểm của doanh nghiệp kinh doanh hiện đại. Chủ sở hữu và người quản lý của doanh nghiệp hiện đại chủ động trong các chính sách mua, định giá, sản xuất và tiếp thị thị trường. Nếu không có người quản lý, các chính sách này được xác định và thực thi bởi các cơ quan lập pháp và tư pháp chứ không phải là các thủ tục hành chính do họ tạo ra.

Đề xuất thứ ba: Doanh nghiệp hiện đại xuất hiện lần đầu tiên trong lịch sử khi khối lượng của các hoạt động kinh tế đạt đến mức làm cho việc điều hành, điều phối hiệu quả và có lợi hơn so với thị trường điều phối. Sự gia tăng khối lượng hoạt động này đến từ công nghệ mới và việc mở rộng thị trường. Công nghệ mới đã tạo ra một sản lượng hàng hóa chưa từng có. Việc mở rộng thị trường là rất cần thiết để tiêu thụ hết sản lượng đó. Vì vậy, các doanh nghiệp hiện đại lần đầu tiên xuất hiện, tăng trưởng, và tiếp tục phát triển trong các lĩnh vực và ngành công nghiệp đặc trưng bởi công nghệ mới, tiến bộ và mở rộng thị trường. Ngược lại trong các lĩnh vực và ngành công nghiệp mà công nghệ không mang lại sự gia tăng mạnh về sản lượng, thị trường nhỏ, chuyên biệt, sự phối hợp điều hành hiếm khi có lợi hơn so với thị trường điều phối thì doanh nghiệp hiện đại xuất hiện muộn và chậm phát triển.

Đề xuất thứ tư: Khi một hệ thống phân cấp quản lý được hình thành và thực hiện thành công chức năng phối hợp điều hành, hệ thống quản lý đó trở nên xuyên suốt, quyền lực và tăng trưởng liên tục. Chandler cho rằng các doanh nghiệp truyền thống gia đình thường có thời gian sống ngắn, các quan hệ đối tác có thể bị giải thể khi ông chủ của nó chết đi cho đến đời chủ sau lại tìm các mối quan hệ mới. Ngược lại doanh nghiệp hiện đại có các hệ thống phân cấp quản lý lại có tính lâu bền hơn. Khi người quản lý qua đời, nghỉ hưu, được thăng chức, hoặc rời bỏ chức vụ, người khác đã sẵn sàng và được huấn luyện để thay thế vị trí của người đó.

Đề xuất thứ năm: Công việc của các nhà quản lý là chỉ đạo trưc tiếp các hệ thống quản lý họ ngày càng giỏi và chuyên nghiệp. Chandler cho rằng trong hệ thống quản lý kinh doanh của doanh nghiệp hiện đại cấp bậc quản lý yêu cầu những kỹ năng đặc biệt, việc lựa chọn, thăng tiến dựa trên đào tạo, kinh nghiệm và hiệu quả công việc hơn là mối quan hệ gia đình hoặc tiền bạc. Các nhà quản lý doanh nghiệp hiện đại có thể hình dung được một sự nghiệp suốt đời của mình và được đào tạo quản lý đúng với chuyên môn của mình. Họ có cách tiếp cận công việc của họ như việc gần gũi hơn với các luật sư, bác sĩ và bộ trưởng hơn là các chủ doanh nghiệp và nhà quản lý các doanh nghiệp nhỏ truyền thống.

Đề xuất thứ sáu: khi doanh nghiệp tăng trưởng về quy mô và tính đa dạng thì các nhà quản lý trở nên chuyên nghiệp hơn, việc quản lý doanh nghiệp tách ra khỏi quyền sở hữu của nó. Sự gia tăng của các doanh nghiệp hiện đại mang lại một định nghĩa mới về mối quan hệ giữa quyền sở hữu và quản lý và do đó là một kiểu chủ nghĩa tư bản mới đối với nền kinh tế Mỹ. Trước sự xuất hiện của công ty đại chúng vốn cổ phần của họ vẫn nằm trong tay của một vài cá nhân hoặc gia đình. Các tập đoàn này vẫn là các doanh nghiệp đơn lẻ mà ít khi thuê hơn hai hoặc ba nhà quản lý. Do đó, một doanh nghiệp tư bản truyền thống có thể được gọi là một doanh nghiệp tư nhân. Tuy nhiên doanh nghiệp hiện đại đòi hỏi nhiều người quản lý hơn là công ty gia đình. Ở một số doanh nghiệp, doanh nhân và cộng sự xây dựng doanh nghiệp và nắm giữ phần lớn cổ phiếu. Họ duy trì mối quan hệ cá nhân chặt chẽ với các nhà quản lý, và đương nhiên tiếng nói chính trong các quyết định quản lý hàng đầu, đặc biệt là các chính sách tài chính, phân bổ nguồn lực và lựa chọn các nhà quản lý cao cấp. Sự tăng trưởng của một doanh nghiệp đòi hỏi một khoản tiền lớn từ bên ngoài, mối quan hệ giữa sở hữu và quản lý khác nhau. Các tổ chức tài chính cung cấp các quỹ thường được làm đại diện một thời gian trong hội đồng quản trị của doanh nghiệp. Trong các doanh nghiệp như vậy, các nhà quản lý phải chia sẻ những quyết định quản lý hàng đầu, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến việc huy động và sử dụng các khoản vốn lớn, với các nhà tài trợ của các ngân hàng và các tổ chức tài chính khác. Một nền kinh tế hoặc ngành được kiểm soát bởi các doanh nghiệp như vậy thường được gọi là chủ nghĩa tư bản tài chính.

Trong nhiều doanh nghiệp hiện đại, không có ngân hàng hay gia đình nào được kiểm soát. Sở hữu trở nên rải rác. Các cổ đông không có ảnh hưởng, kiến thức, kinh nghiệm. Các nhà quản lý xác định chính sách dài hạn cũng như quản lý các hoạt động điều hành ngắn hạn. Họ chiếm ưu thế hàng đầu cũng như quản lý cấp dưới và người lao động. Một doanh nghiệp do các nhà quản lý kiểm soát có thể được xác định là quản lý, và một hệ thống do các doanh nghiệp đó chi phối được gọi là chủ nghĩa tư bản quản lý.

Đề xuất thứ bảy: Trong quá trình ra quyết định quản lý, các nhà quản lý ưa thích các chính sách ổn định và tăng trưởng dài hạn và đạt tối đa hóa lợi nhuận cho doanh nghiệp của họ. Đối với các nhà quản lý lương, sự tồn tại liên tục của các doanh nghiệp là điều thiết yếu cho sự nghiệp suốt đời của họ. Họ sẵn sàng bỏ cổ tức hiện tại để duy trì khả năng tồn tại lâu dài của doanh nghiệp. Họ tìm cách bảo vệ nguồn cung cấp và nơi tiêu thụ. Họ tiếp nhận các sản phẩm và dịch vụ mới để tận dụng tối đa các cơ sở và nhân viên hiện có. Sự mở rộng như vậy dẫn đến việc bổ sung thêm nhiều lao động và thiết bị. Nếu lợi nhuận cao, họ muốn tái đầu tư vào doanh nghiệp hơn là trả lãi cổ tức. Theo cách này mong muốn của các nhà quản lý để giữ cho doanh nghiệp làm việc liên tục để phát triển xa hơn.

Đề xuất thứ tám: Khi các doanh nghiệp lớn tăng trưởng và chiếm ưu thế trong các lĩnh vực chủ yếu của nền kinh tế, họ đã thay đổi cấu trúc cơ bản của các ngành này và toàn bộ nền kinh tế. Các doanh nghiệp độc quyền thay thế thị trường trong việc tạo ra hàng hoá và dịch vụ. Các quyết định về lượng hàng hóa và các kế hoạch dài hạn để phân bổ các nguồn lực dựa trên ước tính về nhu cầu thị trường hiện tại và dài hạn. Những gì các doanh nghiệp này làm là tiếp quản thị trường và tích hợp luồng hàng hoá và dịch vụ từ việc sản xuất nguyên vật liệu thông qua các quá trình sản xuất để bán cho người tiêu dùng cuối cùng. Từ đó sản xuất và phân phối được tập trung trong tay của một vài doanh nghiệp lớn. Ban đầu, điều này xảy ra chỉ trong một vài lĩnh vực hoặc ngành công nghiệp, nơi sự đổi mới công nghệ và tăng trưởng thị trường tạo ra tốc độ cao và khối lượng lớn. Khi công nghệ trở nên tinh vi và thị trường mở rộng hơn, việc quản lý hành chính được thay thế sự chi phối của thị trường vào một phần ngày càng lớn của nền kinh tế. Vào giữa thế kỷ XX, các nhà quản lý của một số các cơ sở bán lẻ quy mô lớn và các doanh nghiệp vận tải số lượng lớn đã phối kết hợp các luồng hàng hoá hiện tại thông qua các quá trình sản xuất phân phối và phân bổ các nguồn lực để sử dụng cho sản xuất và phân phối trong các lĩnh vực chính của nền kinh tế Mỹ. Khi đó, cuộc cách mạng quản lý trong kinh doanh ở Mỹ đã được thực hiện.

Những đề xuất cơ bản này chia thành hai phần. Ba đề xuất đầu giúp Chandler giải thích sự xuất hiện của doanh nghiệp kinh doanh hiện đại. Năm đề xuất còn lại giúp ông giải thích sự tăng trưởng liên tục của loại hình doanh nghiệp này. Các doanh nghiệp hiện đại xuất hiện khi hệ thống phân cấp quản lý có thể giám sát và điều phối hoạt động của một số đơn vị kinh doanh hiệu quả hơn so với các cơ chế thị trường. Nó tiếp tục phát triển khi các các nhà quản lý ngày càng chuyên nghiệp và giỏi hơn. Tuy nhiên, nó chỉ xuất hiện và lan truyền trong những ngành công nghiệp và lĩnh vực mà công nghệ và thị trường cho phép quản lý hành chính có lợi hơn so với điều phối thị trường. Bàn tay hữu hình đã thay thế bàn tay vô hình của thị trường nơi mà có công nghệ mới và thị trường mở rộng cho phép sản xuất hàng hóa nhanh với số lượng lớn trong quá trình sản xuất và phân phối. Điều này minh chứng bằng sự phát triển mạnh mẽ của các doanh nghiệp kinh doanh hiện đại và nửa sau của thế kỷ XIX ở Mỹ.

 

Nguồn: Phan Thanh Tú, Vũ Mạnh Chiến, Phạm Văn Kiệm, Lưu Đức Tuyến, Nguyễn Thị Hồng Nga (2018), Học Thuyết Doanh Nghiệp, NXB Lao Động – Xã Hội, trang 197-202.