Mô hình điều chỉnh cấu trúc về cân bằng SARFIT (Structural Adjustment to Regain Fit)

Kế thừa mô hình lựa chọn chiến lược thay đổi cơ cấu tổ chức của Child (1972), Donaldson (1987) xây dựng mô hình điều chỉnh cấu trúc về cân bằng SARFIT (structural adjustment to regain fit) trên quan điểm cơ bản của thuyết ngẫu nhiên: một doanh nghiệp có cấu trúc phù hợp hơn sẽ có hiệu suất cao hơn, tạo ra nguồn lực dồi dào và nhanh chóng phát triển, mở rộng. Mô hình SARFIT cho phép doanh nghiệp xác định mức độ phù hợp và giải pháp điều chỉnh trước những biến động ngẫu nhiên bên trong và ngoài. Cụ thể, khi các biến ngẫu nhiên (như mức độ đa dạng hóa sản phẩm, đối thủ cạnh tranh, chính sách pháp luât, quy mô…) thay đổi sẽ kéo theo sự thay đổi của cấu trúc tổ chức hiện tại đến một trạng thái mới phù hợp hơn. Quá trình thay đổi này sẽ thúc đẩy khả năng tăng trưởng và khả năng thích nghi với môi trường của doanh nghiệp để đạt được hiệu quả kỳ vọng.

Mô hình điều chỉnh cấu trúc về cân bằng SARFIT

Nguồn: Donaldson (1987, trang 4)

Trong mô hình SARFIT, mức độ phi tự do của môi trường (environment illiberality) đóng vai trò biến điều tiết. Khi mức độ phi tự do của môi trường giảm, doanh nghiệp sẽ phải điều chỉnh cơ cấu cho phù hợp; và ngược lại, khi chỉ số này gia tăng, điều chỉnh cơ cấu sẽ cho phép doanh nghiệp tăng hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh. Đồng thời, sự phù hợp giữa cấu trúc và biến ngẫu nhiên một lần nữa được khẳng định trong mô hình SARFIT. Theo đó, để đạt được hiệu quả tối đã, doanh nghiệp phải có cơ chế điều chỉnh cấu trúc theo mức độ thay đổi của các biến ngẫu nhiên. Cơ chế điều chỉnh phù hợp cho phép doanh nghiệp ứng phó với các biến động bên trong và ngoài thị trường, đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động. Nói cách khác, khi cấu trúc tổ chức không được điều chỉnh phù hợp với biến ngẫu nhiên trong môi trường tự do sẽ khiến hiệu qua của doanh nghiệp suy giảm (Donaldson, 1987).

Mô hình SARFIT cho phép các doanh nghiệp đạt được cấu trúc phù hợp trong suốt quá trình hoạt động và phát triển từ đó nâng cao hiệu quả kinh tế, năng lực cạnh tranh, và lợi nhuận. Tuy nhiên, có những trường hợp, doanh nghiệp chỉ thích ứng được một phần, hoặc đáp ứng ở mức tối thiểu mục tiêu đã đề ra khi có sự thay đổi. Vì vậy, tùy thuộc vào điều kiện, khả năng của mình, doanh nghiệp cần nghiên cứu áp dụng phù hợp mô hình SARFIT, cũng như chấp nhận điều chỉnh mục tiêu chiến lược trước các biến động ngẫu nhiên.

 

Nguồn: Phan Thanh Tú, Vũ Mạnh Chiến, Phạm Văn Kiệm, Lưu Đức Tuyến, Nguyễn Thị Hồng Nga (2018), Học Thuyết Doanh Nghiệp, NXB Lao Động – Xã Hội, trang 98-101.