Cấu trúc tổ chức tập trung hành chính (Pre-bureaucratic structures)

Cấu trúc tổ chức tập trung hành chính (Pre-bureaucratic structures) hạn chế tiêu chuẩn hoá các nhiệm vụ. Cấu trúc này được phổ biến nhất trong các tổ chức nhỏ và được sử dụng tốt nhất để giải quyết các nhiệm vụ đơn giản. Đây là cấu trúc hoàn toàn mang tính tập trung. Nhà lãnh đạo chiến lược đưa ra tất cả các quyết định quan trọng và sự truyền đạt thông tin hầu hết được thực hiện qua các cuộc đối thoại trực tiếp giữa các cá nhân. Cấu trúc này cũng tỏ ra hữu ích cho doanh nghiệp mới vì nó cho phép người sáng lập kiểm soát sự tăng trưởng và phát triển của tổ chức. Theo lý thuyết ba loại thẩm quyền của Weber (1948), cấu trúc này thường dựa trên thẩm quyền truyền thống hoặc thẩm quyền lôi cuốn.

Cấu trúc tổ chức tập trung hành chính là một khuôn mẫu mà đã được áp dụng qua nhiều hình thái xã hội từ chủ nghĩa tư bản, chế độ nô lệ và phong kiến. Thông thường, trong một bộ máy hành chính áp dụng thẩm quyền lôi cuốn, phương tiện sản xuất là tài sản của nhà nước. Do đó, các Pharaoh của Ai Cập và những người thống trị vương quốc Inca của Peru đã kiểm soát đất đai bằng cả hai phương tiện trực tiếp và gián tiếp. Trong trường hợp của Liên Xô, cả đất đai và các nhà máy công nghiệp đều do nhà nước kiểm soát. Tài sản nhà nước được quản lý chung bởi bộ máy hành chính như một thể thống nhất chứ không tách rời. Sự giàu có và uy tín bắt nguồn từ vị trí mà một quan chức đặc biệt chiếm ưu thế trong hệ thống hành chính. Vị thế của những cá nhân này không dựa trên quyền sở hữu tài sản. Trên phương diện là một cá nhân, những người này sở hữu tương đối ít tài sản. Đặc quyền và thậm chí là nhiều “tài sản sở hữu cá nhân” của họ (như nhà riêng, xe hơi…) đều có được từ vị trí của họ trong bộ máy hành chính. Nếu các quan chức này mất đi vị trí của mình, thì những đặc quyền và tài sản của họ cũng sẽ không còn nữa.

Một hệ thống tập trung hành chính với thẩm quyền lôi cuốn tạo nên sự dịch chuyển xã hội, nhưng mức độ dịch chuyển thay đổi và phụ thuộc vào một số yếu tố. Sự thay đổi về dân số, hệ thống lãnh thổ được mở rộng hoặc các lĩnh vực đời sống được kiểm soát trực tiếp bởi bộ máy hành chính, trong khi các nhiệm vụ hành chính mới và việc áp dụng các tiêu chuẩn về hiệu quả và năng lực đã ngày càng thúc đẩy sự dịch chuyển trong xã hội. Bên cạnh đó, chủ nghĩa gia đình ngày càng ảnh hưởng đến việc chuyển giao quyền lực, làm giảm các tiêu chuẩn về chuyên môn và mang tính chất bảo vệ quyền lực và vị trí đã được phân bổ. Chính điều này đã làm giảm tính dịch chuyển của xã hội. Một trong những khó khăn liên quan đến tài sản của nhà nước mà một bộ máy hành chính thường phải đối mặt chính là việc không có một thể chế thông thường nào cho phép tự động chuyển giao địa vị xã hội, đặc quyền và tài sản sở hữu cho con cái của những quan chức. Điều này lại được giải quyết tương đối dễ dàng đối với tài sản cá nhân thông qua việc thừa kế. Các xã hội có tính chất hành chính thường tìm cách vượt qua khó khăn này trong việc chuyển giao quyền lực bằng cách tạo ra các điều kiện ưu đãi và đặc quyền cho con cái của các quan chức, nhưng điều này làm suy giảm hiệu quả hành chính. Trong trường hợp của vương quốc Inca, vấn đề đã được giải quyết bằng cách hạn chế việc các thành viên của bộ lạc Inca được phép nắm giữ những vị trí xã hội cấp cao mà họ chỉ có thể được đảm nhiệm các vị trí thấp cấp hơn. Ở Liên Xô, hệ thống giáo dục ưu tiên cho các tầng lớp thượng lưu (trước đây là các biện pháp trực tiếp thông qua các yêu cầu về học phí trong giáo dục và hiện nay là thông qua việc các chính sách ưu đãi cho con em của các Đảng viên).

Đảng Cộng sản chính là công cụ để thiết lập hệ thống tập trung hành chính và chuyển giao quyền lực. Ngày càng nhiều thành phần có địa vị xã hội gia nhập vào Đảng và tạo nên sự thay đổi về thành phần xã hội của Đảng qua nhiều năm. Giờ đây, bộ máy hành chính của Liên Xô cũng tương đương với các vị trí cao cấp của Đảng Cộng sản. Đảng đã cố gắng giải quyết vấn đề chuyển giao quyền lực bằng cách trở thành một chế độ tự trị lâu dài với việc không hoàn toàn chỉ là sự nối nghiệp cũng không phải là sự cạnh tranh công bằng cho tất cả mọi tầng lớp xã hội. Do đó, một hình thức chuyển giao quyền lực mới được áp dụng vào hệ thống. Quyền lực của tầng lớp quan chức được duy trì và chuyển giao đến các tầng lớp tài giỏi ở dưới. (Trong khi đó, Giáo hội Công giáo đã giải quyết vấn đề thừa kế cấp bậc hành chính bằng việc yêu cầu tình trạng độc thân, và nó đã loại bỏ được vấn đề về thừa kế địa vị hành chính).

Những khó khăn trong việc chuyển giao quyền lực trong một xã hội hành chính với thẩm quyền lôi cuốn đã đạt tới mức trầm trọng và đỉnh điểm là khi nó liên quan đến cả các cấp bậc cao nhất. Việc chuyển giao quyền lực và tài sản được dựa trên các nguyên tắc của thẩm quyền hấp dẫn nhiều hơn là việc bầu cử. Các chuyển đổi diễn ra ở các vị trí cao cấp trong xã hội đều không có một kênh thể chế thông thường nào để thực hiện. Sự chuyển giao bất thường ở mọi cấp độ cấu trúc trong cơ quan hành chính đôi khi là biểu hiện của sự căng thẳng trong hệ thống. Các giải pháp cho vấn đề này đều liên quan đến các yêu cầu của thẩm quyền hấp dẫn hoặc hệ thống hành chính. Sự chuyển giao quyền lực cũng chính là một cách để có thể thoát ra khỏi hệ thống. Trong đó, giải pháp của Giáo hội Công giáo như việc bầu cử Đức Giáo Hoàng mới có vẻ thích hợp hơn so với lý thuyết của Đảng Cộng sản như trong việc bầu cử Tổng Thư ký của Đảng. Trên thực tế, Đảng Cộng sản chưa giải quyết được vấn đề ai nắm giữ quyền lực hợp pháp bằng cách tạo ra các kênh thể chế cho việc phân định quyền lực trong nội tại quốc gia hoặc với các quốc gia khác.

Ở phương Tây, hệ thống phân cấp xã hội có liên quan sâu sắc đến mô hình về tài sản cá nhân. Đặc điểm nổi bật nhất của xã hội hành chính có thẩm quyền thu hút là việc luôn ngăn cản sự phát triển mạnh mẽ của mô hình tài sản cá nhân. Do đó, các Pharaon ở Ai Cập sẽ không bao giờ biết đến định nghĩa về các chủ đất tư nhân hoặc một nhà tư sản đô thị. Thương mại vẫn độc quyền thuộc về nhà nước và được phát triển rất yếu ớt. Trên thực tế, một hệ thống tiền tệ của nhà nước chỉ được đưa ra sau đó bởi những hoạt động thương mại của người Hy Lạp. Tương tự, Peru thời kỳ Inca hoặc nước Nga ngày nay đã cho thấy sự phát triển của tài sản cá nhân và sự hạn chế của hệ thống phân cấp xã hội có liên quan đến tài sản đó.

Trong lịch sử, không có khi nào một tầng lớp có quyền lực hành chính lại cho phép sự phát triển của tài sản cá nhân. Không có một hình thức tài sản nào khác được phép cạnh tranh hoặc thay thế cho hệ thống tài sản nhà nước. Việc chỉ huy nền kinh tế luôn nằm trong tay của bộ máy hành chính theo cách trực tiếp hoặc gián tiếp.

Về mặt lịch sử, trái với quan điểm của Weber rằng chủ nghĩa tư bản hầu hết không được phát triển trên thế giới vì thiếu đi đạo đức tôn giáo phù hợp nhưng nó đã phát triển rộng rãi ở phương Tây vì đã hội đủ các điều kiện tiên quyết cần có. Nguyên nhân thực sự cho sự vắng mặt của chủ nghĩa tư bản còn có thể là do sự phát triển của xã hội hành chính với thẩm quyền lôi cuốn. Dựa trên hình thức sở hữu nhà nước, bộ máy hành chính với thẩm quyền lôi cuốn ngăn cản sự phát triển mạnh mẽ của sở hữu tư nhân mà đó lại là cơ sở của chủ nghĩa tư bản và cơ cấu quyền lực đa nguyên. Trong xã hội hành chính, chủ sở hữu tài sản cá nhân không thể thực hiện vai trò của mình một cách có hiệu quả cả trong kinh tế, chính trị và xã hội. Chúng tồn tại dưới cái bóng của chính phủ và nhà nước hoàn toàn có thể tác động hoặc loại bỏ chúng khi thấy cần thiết.

Bên cạnh những hạn chế về tài sản cá nhân, giữa chủ nghĩa tư bản và xã hội hành chính còn có nhiều điểm khác nhau. Trong khi chủ nghĩa tư bản hiện đại vận hành thông qua cơ chế thị trường, kết hợp tất cả các doanh nghiệp trên phương diện cá nhân và áp dụng tất cả các nguyên tắc kinh tế xã hội chung cho cả nền kinh tế (cơ chế giá cả, dòng vốn, cơ hội thị trường và các điều kiện kinh doanh khác), thì xã hội hành chính lại thường có kế hoạch sản xuất và phân phối. Kế hoạch tập trung được xây dựng dựa trên các mục tiêu chỉ được xác định bởi bộ máy hành chính, chứ không phải của tất cả các cá nhân trong nền kinh tế. Ngay cả khi các yếu tố của thị trường như giá cả, chi phí kế toán, tỷ suất lợi nhuận và tiền lương đã được áp dụng, nhưng chúng thực sự không có cùng ý nghĩa giống nhau giữa xã hội phương Tây và hệ thống hành chính. Vì những yếu tố này xuất hiện trong một môi trường thể chế hoàn toàn khác biệt và chúng thực hiện các chức năng khác nhau. Đối với hệ thống hành chính, các yếu tố này chỉ để phục vụ nhu cầu kế toán. Còn trong chủ nghĩa tư bản, các yếu tố của thị trường còn góp phần tạo nên sự chuyển hướng và định hình lại của lực lượng sản xuất.

 

Nguồn: Phan Thanh Tú, Vũ Mạnh Chiến, Phạm Văn Kiệm, Lưu Đức Tuyến, Nguyễn Thị Hồng Nga (2018), Học Thuyết Doanh Nghiệp, NXB Lao Động – Xã Hội, trang 297-300.