Thuật ngữ “hệ sinh thái – ecology” gồm có hai phần: (1) “Eco” là cuộc sống, môi trường sống hoặc môi trường; (2) “ology” là nghiên cứu về một chuyên ngành. Do đó, hệ sinh thái doanh nghiệp (được hiểu là nền kinh tế) là tập hợp các loài hay các quẩn thể doanh nghiệp (được hiểu là các ngành – lĩnh vực kinh doanh) có cấu trúc rõ ràng, phụ thuộc lẫn nhau, được điều chỉnh bởi các quy tắc chung của môi trường sống chung. Thuyết hệ sinh thái doanh nghiệp đề cập đến quá trình nghiên cứu về “cuộc đời” của doanh nghiệp trong môi trường sống của nó.
Sinh thái học dân số (Population ecology), gắn với thuyết “lựa chọn Darwin” trong quần thể doanh nghiệp (một ngành) (Carroll và Hannan, 1995), nghiên cứu về những thay đổi linh động trong một tập hợp các tổ chức nhất định. Lấy dân số (doanh nghiệp) làm đơn vị phân tích, các nhà nghiên cứu kiểm tra thống kê sự ra đời và tử vong của các doanh nghiệp trong quần thể (ngành); cũng như các loại hình tổ chức của doanh nghiệp trong quần thể (ngành).
Sự phát triển thuyết hệ sinh thái doanh nghiệp bắt nguồn từ các nghiên cứu về nguyên nhân gây ra các sự kiện quan trọng (thành lập, giải thể, linh động) của doanh nghiệp, cũng như mối liên hệ có cấu trúc giữa thuyết doanh nghiệp và lịch sử xã hội muôn loài. Theo Hannan và Freeman (1989), lịch sử luôn đóng vai trò quan trọng trong các nghiên cứu về mức độ quần thể; các nghiên cứu động học dân số (biến động số lượng – population dynamics) thường thực hiện trong một khoảng thời gian dài. Ngoài ra, lịch sử còn cung cấp thông tin về bối cảnh thể chế của các quần thể doanh nghiệp (Hannan và Freeman, 1989).
Một quần thể (ngành) doanh nghiệp bao gồm một nhóm các doanh nghiệp cùng nhau đối diện với những bất ổn tương đồng của môi trường (similar environmental vulnerabilities) và chia sẻ một hình thái nội bộ chung (kỹ thuật cốt lõi – technical core). “Hình thái nội bộ” (internal form) được chia sẻ chung này được ví như bản thiết kế chung đối với các hành vi và hoạt động của doanh nghiệp. “Những bất ổn môi trường cùng chia sẻ” đề cập đến các mối quan hệ bên ngoài cũng như sự phụ thuộc của doanh nghiệp vào môi trường. Sau cùng, dân số được tính giới hạn trong một hệ thống chung, cho dù đó là ranh giới địa lý (vùng), chính trị (quốc gia) hay kinh tế (thị trường).
Theo Hannan và Freeman (1989), lựa chọn chứ không phải thích nghi gây ra những thay đổi dài hạn về độ đa dạng các loại hình doanh nghiệp trong một quần thể. Hầu hết các doanh nghiệp mà cấu trúc có sức ỳ cao đều gặp khó khăn trong thích nghi với những biến động của môi trường. Các doanh nghiệp không tương thích hay không phù hợp với môi trường này sẽ bị thay thế qua cạnh tranh bởi các doanh nghiệp mới phù hợp hơn với các điều kiện môi trường.
Phân tích sinh thái học dân số doanh nghiệp nhằm giải thích ba nội dung:
Thứ nhất, giải thích tỷ lệ sinh và tử trong một quần thể. Cụ thể, liên quan đến nhân khẩu học (demography) doanh nghiệp, xem xét quá trình biến đổi về tỷ lệ sống còn trong các quần thể doanh nghiệp (ngành) theo cả không gian và thời gian (gồm: tỷ lệ thành lập, tỷ lệ sáp nhập và tỷ lệ giải tán), đồng thời hướng đến xác định các quy chuẩn cơ bản dựa trên những tỷ lệ như vậy. Ngoài ra, mức đầu tiên này cũng đề cập tới các biến đổi về tỷ lệ mô hình trong sự thay đổi của môi trường.
Thứ hai, giải thích sự tương tác về tỷ lệ sống sót giữa các quần thể (các ngành). Cụ thể, liên quan đến sinh thái học dân số (population ecology), thể hiện tính liên kết các tỷ lệ sống còn giữa các quần thể. Mô hình sinh thái học dân số tập trung mô tả cách thức tạo ra tỷ lệ hình thành và tỷ lệ tử vong của một quần thể bất kỳ thông qua mật độ và sự có mặt của các quần thể doanh nghiệp khác. Nói cách khác, môi trường của mỗi doanh nghiệp không phải là các ngoại sinh thuần túy mà là sự kết hợp của các quần thể. Theo đó, sinh thái học dân số sẽ đề cập đến đặc điểm tương tác của những thay đổi trong doanh nghiệp.
Thứ ba, nghiên cứu về khả năng chia sẻ các môi trường sống tương tự nhau của “cộng đồng dân cư” (communities of populations). Cụ thể, liên quan đến sinh thái học cộng đồng (community ecology). Cộng đồng doanh nghiệp là một tập hợp các quần thể có sự tương tác lẫn nhau, như lĩnh vực ngành nghề hoặc ngành xã hội. Một cộng đồng doanh nghiệp điển hình trong các cơ sở công nghiệp bao gồm: quần thể doanh nghiệp, quần thể công đoàn lao động và quần thể cơ quan quản lý. Sinh thái học cộng đồng điều tra sự tiến triển của mô hình cấu trúc cộng đồng (thường được thể hiện dưới dạng liên kết giữa các quần thể cấu thành). Nghĩa là, sinh thái học cộng đồng sẽ tiến hành nghiên cứu tác động của mối liên hệ giữa các quần thể đến sự tồn tại của toàn thể cộng đồng.
Nhìn chung, các nhà sinh thái học dân số đều cho rằng luôn tồn tại một thuyết tiến hóa liên quan đến sự thay đổi của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp đang tồn tại hoặc đã có từ trước kia, cùng với sự thay đổi trong mức độ dân số của các loại hình doanh nghiệp thường chậm và liên tục. Không giống như sự tiến hóa của động vật, lựa chọn tự nhiên trong các doanh nghiệp không nhất thiết phải dẫn tới một sự tối ưu hóa. Sự thay đổi tối ưu thường phụ thuộc vào “sự kết hợp – coupling” giữa ý định và kết quả.
Nguồn: Phan Thanh Tú, Vũ Mạnh Chiến, Phạm Văn Kiệm, Lưu Đức Tuyến, Nguyễn Thị Hồng Nga (2018), Học Thuyết Doanh Nghiệp, NXB Lao Động – Xã Hội, trang 123-125.
11 Th11 2019
11 Th11 2019
11 Th11 2019
11 Th11 2019
4 Th2 2019
11 Th11 2019