Cấu trúc tổ chức dự án (project-based structure or project matrix structure)

Cấu trúc tổ chức dự án (project-based structure hoặc project matrix structure) thúc đẩy hợp tác và thực hiện các hoạt động theo các dự án nhằm tạo ra một môi trường tương tác độc lập giữa các thành viên nhóm, từ đó cho phép giảm thiểu sự gián đoạn, chồng chéo và mâu thuẫn. Mỗi dự án có các đặc điểm riêng và có cấu trúc tổ chức riêng phù hợp với môi trường hoạt động, đặc điểm và mức độ phân quyền cần thiết. Một mô hình cấu trúc theo dự án có thể gồm nhiều loại cấu trúc khác trong các dự án thành phần, cho phép xác định mối quan hệ giữa các thành viên và mối quan hệ của dự án với môi trường. Mục đích chính của mô hình này nhằm giảm rủi ro và nhầm lẫn thường xảy ra ở giai đoạn đầu của dự án.

Cấu trúc tổ chức theo dự án

Có ba loại hình cấu trúc dự án, gồm:

  • Cấu trúc dự án chức năng (Weak/Functional project-based structure), trong đó, trưởng dự án chỉ được phân quyền hạn chế để giám sát các công việc chéo của dự án; các lãnh đạo chức năng duy trì quyền lực về các nguồn lực và lĩnh vực liên quan của dự án;
  • Cấu trúc dự án chức năng cân bằng (Balanced/Functional project-based structure), trong đó, quyền lực được phân bổ cân bằng giữa trưởng dự án và các lãnh đạo chức năng. Đây là mô hình tận dụng ưu điểm kết hợp của tổ chức theo chức năng và theo dự án; tuy nhiên vấn đề chính là làm thế nào duy trì sự cân bằng quyền lực khi mà chia sẻ quyền lực là hoạt động rất nhạy cảm;
  • Cấu trúc dự án mạnh (Strong/Project project-based structure), trong đó, trưởng dự án chịu trách nhiệm chính về dự án; các lãnh đạo chức năng chỉ có vai trò cung cấp kỹ năng chuyên ngành và phân bổ các nguồn lực cần thiết.

Mô hình cấu trúc dự án tạo ra một môi trường khuyến khích sự tương tác giữa các thành viên trong nhóm với sự giảm thiểu tối đa sự trì trệ, chồng chéo và mâu thuẫn. Cấu trúc dự án rất linh động trong thành lập cũng như xóa bỏ, vì dự án có nhiệm vụ và chu kỳ sống cụ thể, hoạt động kiểm soát và giải trình được thực hiện thường xuyên. Cấu trúc này cũng thúc đẩy chia sẻ tri thức giữa các thành viên trong doanh nghiệp khi họ đến từ các bộ phận khác nhau và cùng làm việc trong khoảng thời gian tồn tại của dự án. Tuy nhiên, về bản chất mô hình tương đồng với cấu trúc nhóm, nên cũng có các ưu nhược điểm như cấu trúc nhóm đã được trình bày trên đây.

 

Nguồn: Phan Thanh Tú, Vũ Mạnh Chiến, Phạm Văn Kiệm, Lưu Đức Tuyến, Nguyễn Thị Hồng Nga (2018), Học Thuyết Doanh Nghiệp, NXB Lao Động – Xã Hội, trang 309-310.